BỐ MẸ ƠI, CON BỊ BẠO HÀNH!

BỐ MẸ ƠI, CON BỊ BẠO HÀNH!

Nếu một ngày con nói vậy thì bố mẹ sẽ nghĩ sao và làm gì? Trước tiên, hãy thật mừng vì con bạn đã nói ra với bạn. Rồi sau đó thì làm gì nữa?

Bước 1 – Khi trẻ nói với bạn mình bị bạo hành

Đầu tiên và ngay lập tức, hãy trấn an và cho con biết rằng CON ĐƯỢC AN TOÀN.

  • Công nhận những cảm xúc trẻ đang có.
  • Giải thích rằng tất cả những cảm xúc đó là bình thường khi một thảm họa xảy ra.
  • Hãy để trẻ nói về cảm xúc của chúng, giúp trẻ nhìn nhận những cảm xúc ấy một cách chừng mực hơn, và giúp trẻ biểu lộ cảm xúc một cách thích hợp.
  • Đừng cắt ngang lời trẻ. Đừng nói thay cảm xúc của trẻ. Đừng bộc lộ cảm xúc tiêu cực của chính bạn (dù khi đó, trái tim của người cha, người mẹ đang đau thắt).
  • Đừng quên ôm hoặc có những tiếp xúc cơ thể như cầm tay, quàng vai hoặc đơn giản là chạm nhẹ vào tay con mình và giữ chúng suốt cuộc nói chuyện.

Bước 2 – Khi trẻ nói với bạn mình bị bạo hành

Dành thời giờ để trao đổi.

  • Dựa vào những câu hỏi của trẻ để xác định lượng thông tin cần cung cấp cho các con. Không đẩy vấn đề đi quá xa hoặc trở nên tiêu cực hơn.
  • Hãy kiên nhẫn. Trẻ không phải lúc nào cũng sẵn sàng nói về cảm xúc của chúng. Giúp trẻ nói ra càng nhiều càng tốt không có nghĩa là thúc ép- hỏi dồn hay có ngay kết luận sau mỗi điều trẻ nói ra. Hãy kiên nhẫn!
  • Hãy chú ý đến những dấu hiệu cho biết các con có thể đang muốn bày tỏ thêm hoặc đang chưa biết cách bày tỏ. Bằng những câu hỏi gợi ý hoặc những câu chuyện dẫn dắt thêm.
  • Một số trẻ bị khó bày tỏ ra bằng lời mạch lạc. Hãy giúp trẻ bằng những ví dụ ngoài xã hội vừa là để trẻ thấy trẻ không phải người duy nhất bị thế, vừa để trẻ đưa ra những thông tin tương tự.
  • Trẻ nhỏ hơn thì cần những nhận diện bằng hình vẽ và đặc biệt hãy quan tâm tới cảm xúc của chúng.

Bước 3 – Khi trẻ nói với bạn mình bị bạo hành

Cung cấp thông tin mang tính giải thích hoặc làm rõ câu chuyện của trẻ

  • Với tuổi mầm non: Trẻ cần được cha mẹ chứng minh rằng cha mẹ luôn bảo vệ con và trường hợp con gặp phải là trường hợp cá biệt nhưng có thể giải quyết được ngay. Bố mẹ cần phải cho con thấy sự thay đổi ngay sau khi con báo cho bố mẹ biết sự việc bị bạo hành.
  • Với tuổi đầu tiểu học: Thông tin cần ngắn gọn, đơn giản kèm với lời trấn an rằng trường học và nhà của các con là nơi an toàn. Thầy cô và cha mẹ luôn có mặt để bảo đảm sự an toàn đấy. Và lúc này đây, bạn sẽ nhận nhiệm vụ bảo đảm sự an toàn của con bạn. Cũng như trẻ mầm non, bạn cần phải cho con thấy sự thay đổi tích cực ngay sau khi con báo cho bố mẹ.
  • Với tuổi cuối tiểu học và đầu trung học cơ sở: Ở tuổi này, trẻ đã mạnh dạn hơn khi hỏi về việc liệu các con có thực sự được an toàn không và nhà trường đang làm gì để đảm bảo điều đó. Hãy trả lời trẻ bằng những sự thật và chứng minh điều đó với trẻ. Cho trẻ biết cụ thể về những nỗ lực của cha mẹ, của nhà trường và cộng đồng trong việc xây dựng môi trường học đường an toàn. Bố mẹ hoàn toàn có thể cùng trẻ xây dựng các gói giải pháp để giải quyết vấn đề này. Nên giúp trẻ cùng đưa ra quyết định thay vì “Để đấy, mẹ sẽ cho họ biết tay” như nhiều phụ huynh nóng nảy. Hãy giúp trẻ nhận ra rằng trẻ đang cùng tham gia giải quyết vấn đề. Điều đó sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cách ứng xử và đối phó với tệ nạn bạo hành sau này.

Bước 4 – Khi trẻ nói với bạn mình bị bạo hành

Kiểm tra lại mọi điều- quá trình diễn ra sự bạo hành

  • Hãy cùng trẻ tìm ra căn nguyên của vấn đề cũng như đối tượng đã bạo hành trẻ. Hãy cho trẻ thấy đấy chỉ là một trường hợp cá biệt và chúng ta sẽ cùng tìm cách xử lý. Rằng môi trường xung quanh trẻ vẫn an toàn.
  • Giúp trẻ nhận diện ít nhất một người lớn ở trường hoặc trong khu phố mà trẻ có thể tìm đến nếu cảm thấy bị đe doạ hoặc nguy hiểm.

Bước 5 – Khi trẻ nói với bạn mình bị bạo hành

Tiếp tục quan sát trạng thái cảm xúc của trẻ

  • Với hầu hết trẻ sau khi được trấn an sẽ thoải mái hơn và sẽ chờ đợi sự giải quyết của người lớn. Nhưng một số trẻ thì chưa thực sự được trấn an do vẫn còn thiếu lòng tin vào cha mẹ hoặc thông tin cha mẹ đưa ra chưa đủ thoả mãn. Hãy quan sát tiếp tục. Những thay đổi về hành vi, giấc ngủ, hay sự ngon miệng trong ăn uống có thể cho thấy mức độ lo lắng và bất ổn của trẻ. Ở hầu hết trẻ em, những dấu hiệu này sẽ giảm bớt theo thời gian và khi được trấn an. Tuy nhiên, vài em có thể có nguy cơ có những phản ứng mãnh liệt hơn. So với trẻ bình thường khác, những em từng bị chấn thương tâm lý, trải qua mất mát, bị trầm cảm hay các bệnh tâm lý khác, hoặc trẻ khuyết tật có thể bị nguy cơ có những phản ứng nghiêm trọng hơn. Cần tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia sức khỏe tinh thần nếu bạn có bất cứ mối bận tâm nào.
  • Hạn chế xem tivi về các sự kiện bạo lực. Hạn chế xem tivi và lưu ý đến các ti vi đang mở đặt ở chỗ xem chung trong nhà. Những thông tin không thích hợp với trình độ phát triển của trẻ có thể gây ra lo lắng hoặc rối trí, đặc biệt cho trẻ nhỏ. Người lớn cần lưu tâm đến nội dung những cuộc trò chuyện của mình trước mặt trẻ, thậm chí là trẻ vị thành niên, và nên giới hạn việc các em phải nghe thấy những bình phẩm giận dữ, căm ghét, và báo thù khiến các em có thể hiểu nhầm.

Bước 6 – Khi trẻ nói với bạn mình bị bạo hành

Duy trì sinh hoạt theo thông lệ.

  • Giữ thời gian biểu đều đặn có thể giúp trẻ an tâm và mạnh khỏe.
  • Bảo đảm trẻ ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa và tập thể dục.
  • Khuyến khích trẻ hoàn tất đầy đủ những bài tập ở trường và các hoạt động ngoại khóa nhưng không thúc ép trẻ nếu trẻ lộ vẻ quá tải.
  • Không cần thiết thì không nên nhắc tới chuyện đã qua hoặc nếu có, hãy biến chúng thành một thành công mà trẻ đã làm được.
    Trẻ em bị bạo hành cần được biết
  • Trường học luôn là nơi an toàn. Những chuyện đã xảy ra chỉ là một lỗi nhỏ và nó đã được sửa chữa ngay lập tức.
  • Gia đình luôn là nơi an toàn. Bất cứ chuyện gì xảy ra, gia đình cũng luôn là nơi giúp trẻ giải quyết mọi vấn đề.
  • Cha mẹ luôn là người đáng tin cậy. Cha mẹ không bao giờ để bất cứ điều gì xâm hại đến con cái. Cha mẹ sẽ luôn là người cùng con, bảo vệ con!
  • Việc thông báo bị bạo hành là việc đúng đắn. Nhờ có sự thông báo đó mọi thứ mới có thể giải quyết được như vậy.
  • Đừng suy diễn hay đẩy mọi thứ đi quá xa, vẽ ra những hậu quả quá khủng khiếp dù chúng ta đều biết rằng không có điều gì là không thể xảy ra song không vì thế mà bắt con mình phải gánh nặng những mối lo ấy.
  • Hãy cho trẻ thấy bố mẹ, thầy cô hoàn toàn không bị vấn đề này gây ra áp lực với bản thân. Nhiều cha mẹ đã thổi phồng “chiến công” của mình khiến con trẻ nhìn nhận vấn đề này thêm tiêu cực

Mẹo nhỏ cha cha mẹ

Trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn, trong đó có cô giáo vì vậy trò chơi này sẽ rất hợp với bé. Vì thế, phụ huynh sẽ cho trẻ đóng vai cô giáo, ba mẹ hoặc anh chị đóng vai học sinh. Thông qua những lời nói, nét mặt của bé khi dạy học, cách trẻ phạt học sinh làm sai, không chịu ăn… ba mẹ sẽ phần nào biết được cách dạy của cô giáo ở trường.

Người bạo hành trông thế nào: https://snskidstore.com/nguoi-bao-hanh-trong-the-nao/