- Bạo hành có nghĩa là ai đó đánh đập con mình
Sai! Bạo lực chỉ là phần chóp của vấn đề bạo hành. Cơ thể bị bạo hành còn có cơ hội lành lại hoặc nó được giải quyết nhanh chóng bằng cơ chế pháp luật. Bạo hành còn bao gồm nhiều vấn đề mà ở đó mắt thường không thể nhìn thấy hoặc hậu quả nó sẽ kéo dài đến nhiều năm sau, thậm chí đến cuối cuộc đời. Như những sang chấn tâm lý khiến trẻ thay đổi hành vi hoặc trở thành tội phạm sau này. Trẻ bị bạo hành về tinh thần sẽ có những biểu hiện như ghét bản thân, lòng tự tôn thấp, khả năng giao tiếp kém, có những hành vi gây rối, dễ nóng giận,… Những “vết sẹo” này không xuất hiện tức thời mà hình thành theo thời gian nên đa phần người lớn không thấy được sự tương quan giữa chúng với bạo hành. - Kẻ bạo hành là người lạ và người xấu
Sai! Theo thống kê cho thấy có 96% người bạo hành là người mà trẻ tin tưởng, với 50% số đó là “người quen” của gia đình (bạn của cha mẹ, hàng xóm,…). Trong khi ta phòng hờ, bảo vệ con mình trước những “kẻ xấu” bên ngoài thì hiểm họa thực sự lại bị bỏ qua. Người quen, thân thiết với trẻ hội đủ điều kiện để gây nên hành vi bạo hành: dễ dàng vào nhà và tiếp xúc với trẻ, không bị quản lý, giám sát khi chơi với trẻ, được trẻ tin tưởng,… Nhưng đa phần, đây là những người ít bị nghi ngờ nhất do cảm giác chủ quan thường gặp là “người quen ai lại làm như thế”. Vì thế, đừng chỉ giới hạn mối quan ngại của bạn ở mức “người lạ”.
Ngoài quan hệ của đối tượng bạo hành với trẻ, số đông còn ngộ nhận về xuất thân và lứa tuổi của đối tượng. Định kiến chung là chỉ những người “xấu” (nghiện ngập, bệnh hoạn, có tiền án, nhà nghèo không được dạy dỗ,…) mới có chủ định bạo hành. Tuy nhiên, sự thật vốn không rạch ròi trắng đen như thế. Hành vi bạo hành xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng lai lịch và ngoại hình không phải một trong số đó. - Lời con trẻ chấp nhất gì
Nói chơi, gây chú ý, hay nói dối,…là những lí do người lớn đưa ra khi họ nghe chính con em mình bảo rằng chúng bị ngược đãi. Tệ hơn, có những gia đình biết trẻ bị xúc phạm, chửi mắng, thậm chí chịu đòn roi ở trường nhưng vẫn làm lơ vì cho rằng không nên can dự vào việc “dạy dỗ” của nhà trường. Chính sự vô tâm, không tin tưởng này càng khiến cho trẻ khó mở lời tố giác người bạo hành, dẫn đến việc nhiều người mãi sau này khi lớn lên mới dám kể về việc họ từng bị bạo hành khi còn nhỏ, nhưng lúc đó thì đã quá muộn. Nếu một đứa trẻ tin tưởng bạn đủ nhiều để tiết lộ rằng chúng bị bạo hành, ít có khả năng là chúng đang nói dối. - Trẻ thì phải dạy dỗ mới nên người được
Giáo dục bằng đòn roi hay những hình phạt hà khắc không giúp trẻ nên người mà chỉ khiến chúng “di truyền” lại trên chính con cái- trẻ em trong tương lai. Trong nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành gia tăng thời gian gần đây vốn là do cả một quá trình giáo dục hà khắc thuở nhỏ. Hầu hết những tội phạm đều xuất thân từ những gia đình có cách giáo dục bằng đòn roi hoặc bỏ bê (cũng là một dạng bạo hành). (Đọc thêm trong cuốn sách này: Bố mẹ không roi vọt) - Thời gian sẽ chữa lành tất cả
Thời gian có thể làm liền vết thương, làm mờ vết seọ trên cơ thể nhưng không khiến người bị bạo hành được chữa lành trong tâm trí và tâm hồn được. Ngoài những di chứng để lại như trên đã nhắc thì còn nhiều người bị ám ảnh dẫn đến khủng hoảng tâm lý. Vì thế, thay vì “Chuyện qua rồi đừng nhắc lại” hãy giúp những người đã từng trải qua bạo hành- xâm hại được trút bỏ tâm sự. Điều đó cũng giúp ích cho những người đi sau, các trẻ em và môi trường sống xung quanh bạn hình thành thái độ, phản ứng trước những vụ bạo hành hay kể cả những kẻ có ý định bạo hành- xâm hại.
Làm gì khi trẻ nói mình bị bạo hành